Một nữ bác sĩ ở Tế Nam, Sơn Đông ngã quỵ sau 60 giờ làm việc liên tục, làm dấy lên cuộc thảo luận về tình trạng kiệt sức của nhân viên y tế.
Hôm 10/12, giới chức y tế tỉnh Sơn Đông báo cáo một nữ bác sĩ đã ngã quỵ sau 60 giờ làm việc liên tục. Cô không có thời gian ăn uống hay ngủ nghỉ, thậm chí cốc sữa đậu nành ở nhà cũng đã lên men vì lâu chưa uống. Sau khi ngã quỵ, cô vẫn tự trách mình: "Tôi đang định đi khám cho một bệnh nhân thì chân bủn rủn, gục xuống đất. Tôi cố gắng gượng dậy nhưng không thể mở mắt. Thật xấu hổ, tôi không nên yếu đuối như vậy!".
Đây không phải trường hợp bác sĩ kiệt sức đầu tiên ở Trung Quốc. Làm việc quá sức là tình trạng phổ biến của nhân viên y tế tại đây. Nhiều người đi làm 7 ngày trong tuần, ngay khi được nghỉ cũng trong trạng thái sẵn sàng đi trực bất cứ lúc nào.
Theo sách trắng "Tình trạng hành nghề y năm 2017" của Trung Quốc, thời gian làm việc hàng tuần của bác sĩ ở bệnh viện cấp ba và cấp hai không có sự khác biệt đáng kể. Bác sĩ ở bệnh viện cấp ba làm việc trung bình 51,05 giờ mỗi tuần, bác sĩ ở bệnh viện cấp hai làm việc trung bình 51,13 giờ mỗi tuần, không ít người làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần.
Thời gian làm việc của bác sĩ ở bệnh viện cấp hai và cấp ba cao hơn đáng kể so với bác sĩ ở bệnh viện cấp một, trung bình 48,24 giờ mỗi tuần, nhưng vẫn vượt xa mức 40 giờ/tuần theo quy định.
Thống kê năm 2014 cho thấy, 14,43% bác sĩ làm việc trong thời gian quy định của Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả điều tra gần đây chỉ ra rằng, ca trực hàng tuần của họ đều trên 40 giờ.
Quá tải trong thời gian dài khiến nhiều nhân viên y tế kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Không ít người gặp vấn đề về sức khỏe. Một cuộc khảo sát của ngành y tế năm 2020 trên 4.032 bác sĩ cho thấy, 25% mắc bệnh tim mạch, gần một nửa bị cao huyết áp, tỷ lệ mắc bệnh của bác sĩ trên 40 tuổi cao gấp hai lần so với người bình thường.
Cường độ công việc cao và làm việc quá sức trong thời gian dài khiến một số nhân viên y tế ngã quỵ, tử vong khi đang làm việc.
Nữ bác sĩ ngất xỉu sau 60 giờ làm việc liên tục. Ảnh: Weibo
Ngày 17/1/2021, bác sĩ Diệp Hùng, khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đột ngột qua đời ở tuổi 39 do làm việc quá sức. Sáng 5/7/2021, Phó giám đốc khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân thành phố Duy Phường, Lý Kiện, ra đi ở tuổi 46 do đột quỵ khi đang làm việc. Rạng sáng 22/8/2022, bác sĩ Dương Hoành, Bệnh viện trực thuộc Đại học Nam Hoa, đã đột tử ở tuổi 37 do ngừng tim. Ngày 16/8/2022, Phó giám đốc khoa Thần kinh, Bệnh viện trực thuộc Đại học Thanh Đảo, Lưu Vĩ, đã qua đời ở tuổi 53 sau khi đột quỵ.
"Ngày nào cũng làm việc với cường độ cao, sinh hoạt thất thường, tôi lo sợ mình sẽ đột tử", tiến sĩ Chu Lương Phó, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Quốc gia, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hà Nam, chia sẻ.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao bệnh viện không tuyển thêm bác sĩ để giảm tải công việc. Thực tế, bệnh viện muốn tiết kiệm chi phí nhân sự bằng cách sử dụng ít nhân lực hơn với mức lương thấp để hoàn thành khối lượng công việc lớn.
Thêm vào đó, mức lương trong ngành y tế nhìn chung chưa cao, khó thu hút thêm bác sĩ. Do đó, ngay cả khi có thêm nhiều vị trí, vấn đề thiếu hụt nhân lực vẫn khó giải quyết.
Các chuyên gia nhận định, giảm tải công việc cho bác sĩ cần có sự phối hợp từ nhiều phía: cân bằng giữa dịch vụ y tế và áp lực công việc, tránh làm việc quá sức, đồng thời quan tâm đến chế độ đãi ngộ và cơ hội phát triển nghề nghiệp.