Mỹ xem xét hủy dự án tiêm kích tàng hình thế hệ 6 do hạn chế về công nghệ và kinh phí, có thể thay thế bằng phi cơ đời cũ kết hợp UAV.
Mẫu chiến đấu cơ tàng hình tiếp theo của quân đội Mỹ, đang được phát triển trong dự án Tiêm kích Bầu trời Thế hệ mới (NGAD), từ lâu đã được coi là trung tâm trong "lớp vũ khí mới" của Mỹ. Loại tiêm kích này được thiết kế để kết hợp cùng máy bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ trí nhân tạo (AI), thay thế cho F-22, dòng tiêm kích hiện đại nhất hiện nay của quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về chương trình NGAD, vốn dự kiến công bố nhà thầu trong năm nay, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Allvin cho biết lực lượng này vẫn chưa đưa ra quyết định về tương lai của tiêm kích thế hệ thứ 6.
"Các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành và chưa có quyết định nào được đưa ra. Chúng tôi đang phải xem xét rất nhiều lựa chọn khó khăn", ông Allvin tuần trước cho biết.
Hình minh họa về tiêm kích NGAD và UAV phụ trợ. Đồ họa:
Lockheed Martin
Một số quan chức không quân Mỹ trước đó cũng ám chỉ rằng nước này có thể từ bỏ NGAD, quay lại áp dụng mô hình phát triển chiến đấu cơ do Will Roper, người đứng đầu chương trình mua sắm của không quân Mỹ, đưa ra năm 2019.
Theo mô hình này, Mỹ sẽ chế tạo các chiến đấu cơ nhỏ hơn với tuổi thọ ngắn hơn, qua đó có thể nhanh chóng thay đổi thiết kế và công nghệ để thích ứng với các mối đe dọa mới.
Khái niệm này được gọi là cách tiếp cận "Digital Century Series" (Chuỗi Kỷ nguyên số), do một trong các trọng tâm nó là áp dụng hoàn toàn công nghệ kỹ thuật số vào quá trình thiết kế máy bay, đồng thời có nét tương đồng với các dòng chiến đấu cơ có thể thay đổi thiết kế nhanh chóng hồi những năm 1950 và 1960, từ F-100 Super Sabre cho đến F-106 Delta Dart.
Các mẫu tiêm kích tiên tiến nhất hiện nay, như dòng F-35 của tập đoàn Lockheed Martin, được thiết kế để hoạt động từ 50 năm trở lên. Lý do chúng có tuổi thọ dài là vì Mỹ đã chi ra số tiền khổng lồ để phát triển mẫu máy bay này.
Dù vậy, áp dụng mô hình trên cho NGAD tồn tại hai nhược điểm lớn. Thứ nhất là về công nghệ, do Mỹ không thể duy trì ưu thế của mình về không quân nếu chỉ sử dụng một mẫu tiêm kích đến tận năm 2070 mà không cải tiến, tích hợp thêm các công nghệ mới. Điều này cũng khiến không quân Mỹ đứng trước rủi ro không kịp thích ứng để đối phó với các mối đe dọa mới sẽ xuất hiện tương lai.
"Chúng tôi không thể nhét tất cả trứng vào cùng một giỏ để sau đó nhận ra rằng mối đe dọa đã trở nên nguy hiểm hơn", ông Allvin cho hay.
Nhược điểm thứ hai là vấn đề kinh tế, do chi phí để kéo dài tuổi thọ của chiến đấu cơ thường rất lớn. Với chương trình F-35, chi phí tổng thể của nó ước tính sẽ vượt mức 2.000 tỷ USD khi máy bay hết vòng đời, trong đó hoạt động bảo dưỡng và duy tu chiếm tới 80%, tương đương 1.600 tỷ USD.
Trong khi đó, mô hình Chuỗi Kỷ nguyên số của Roper sẽ giúp cắt giảm khoản chi phí này bằng cách tập trung vào phát triển các phần mềm có tính linh hoạt cao, sử dụng quy trình kỹ thuật số và cấu trúc module hệ thống mở, cho phép không quân Mỹ nhanh chóng phát triển, triển khai những tiêm kích mới thường xuyên hơn, đủ để giới hạn tuổi thọ mỗi mẫu phi cơ ở mức 10-20 năm.
Tiêm kích F-35 Mỹ bay trình diễn tại triển lãm hàng không ở Florida hồi tháng 5. Ảnh:
Không quân Mỹ
Điều này cũng giúp không quân Mỹ có thể liên tục triển khai các khí tài hiện đại nhất thế giới, đồng thời không phải chi tiền cho hoạt động duy tu, bảo dưỡng máy bay, vốn tỷ lệ thuận với tuổi thọ của phi cơ, khi chúng đã hoạt động trong thời gian quá lâu và không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế về công nghệ.
"'Chế tạo để dùng lâu dài' là khẩu hiệu lớn vào thế kỷ 20, với giả định rằng những thứ mà bạn có bây giờ vẫn sẽ hữu dụng chừng nào chúng còn tồn tại", Allvin cho hay. "Tôi không chắc điều đó còn đúng vào thời điểm này".
Với việc ra mắt nhiều mẫu tiêm kích trong thời gian ngắn hơn, mô hình của Roper còn giúp tăng tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ. Hiện Mỹ chỉ còn ba tập đoàn trong lĩnh vực phát triển chiến đấu cơ là Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman. Các "ông lớn" trên chủ yếu kinh doanh các mặt hàng công nghệ thương mại và quân sự khác thay vì tiêm kích, do hiện không có nhiều hợp đồng liên quan đến lĩnh vực này.
Nếu mô hình Chuỗi Kỷ nguyên số được áp dụng, không quân Mỹ có thể cứ 10 năm ra mắt một mẫu chiến đấu cơ mới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mới hoặc nhỏ hơn cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Dù vậy, việc quay lại mô hình của Roper trong bối cảnh chương trình NGAD đã được thúc đẩy từ năm 2014 có thể gây ra một số vấn đề.
"Chúng tôi đã chế tạo một nguyên mẫu NGAD và cho nó bay thử trong điều kiện thực tế", Roper hồi năm 2020 cho biết. "Chúng tôi đã sẵn sàng để tiếp tục quá trình chế tạo mẫu tiêm kích thế hệ mới theo cách chưa từng được thực hiện".
Khi dự án đã diễn ra được một thập kỷ, việc chuyển đổi mô hình sẽ khiến không quân Mỹ phải thay đổi thiết kế đang được thử nghiệm, nhằm mục đích đáp ứng tiêu chí giảm bớt chi phí và cắt ngắn tuổi thọ vận hành, điều sẽ làm lãng phí khoản ngân sách lớn. Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall hồi năm 2023 từng nói việc chuyển đổi như vậy ở thời điểm này là "quá đắt đỏ".
Dù vậy, giới chức không quân Mỹ giờ đây dường như bắt đầu cân nhắc quay lại mô hình của Roper, bất chấp vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, lực lượng này không có nhiều thời gian để cân nhắc, trong bối cảnh tiêm kích F-22, mẫu chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không cuối cùng của Mỹ, không còn nhiều thời gian trong vòng đời.
Dòng máy bay này ra mắt từ năm 1997 và hiện đã bị ngừng sản xuất. Tuổi thọ khung thân của chúng rơi vào khoảng 6.000 giờ, có thể được tạm thời kéo dài, song không sớm thì muộn vẫn sẽ bị hao mòn. Phần lớn hạ tầng sản xuất tiêm kích F-22 đã được chuyển sang cho chương trình F-35, nên việc chế tạo thêm mẫu phi cơ này là điều không thể.
Tiêm kích F-22 Raptor Mỹ cất cánh từ căn cứ ở Hawaii trong cuộc diễn tập hồi tháng 4. Ảnh:
Không quân Mỹ
Nếu không kịp sản xuất chiến đấu cơ mới để thay thế tiêm kích F-22, không quân Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ không có khí tài để thực hiện các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không trong một khoảng thời gian.
Dù vậy, ông Allvi có thể đưa ra tuyên bố trên nhằm gây sức ép để hai tập đoàn Lockheed Martin và Boeing điều chỉnh đề xuất đấu thầu, cụ thể là vấn đề giá thành, trong bối cảnh không quân Mỹ đang gặp khó khăn trong việc phân bổ ngân sách cho các dự án quan trọng khác như oanh tạc cơ B-21 hay tên lửa xuyên lục địa Sentinel. Quốc hội Mỹ cũng có thể là mục tiêu mà ông Allvi nhắm tới, nhằm giúp không quân có được ngân sách lớn hơn cho NGAD trong năm tài khóa 2026.
Trong khi tương lai của tiêm kích NGAD vẫn còn bỏ ngỏ, chương trình phát triển UAV hỗ trợ của nó đang được tích cực tiến hành. Chúng sẽ hoạt động trong 10 năm trước khi được thay thế bởi các mẫu mới.
Các UAV này dự kiến bay cùng biến thể F-35 Block IV sắp ra mắt và có thể là cả các tiêm kích đời cũ đã được hiện đại hóa như F-22 và F-15EX.